Ít nhất 21 máy bay và 39 tàu của 6 nước đã tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, trong đó, Việt Nam huy động cả máy bay tuần thám biển và thủy phi cơ DHC6 cơ động cùng nhiều trực thăng.

 

Sau khi tiếp đầy nhiên liệu, trưa 9/3, 2 trực thăng loại Mi 171 ký hiệu 02 và 04 của Trung đoàn 917 thuộc Sư đoàn 370 của Phòng không Không quân Việt Nam nhận lệnh bay ra vùng biển nghi vấn máy bay Malaysia gặp nạn để tìm kiếm.

 

Mỗi đội bay gồm có cơ trưởng, lái phụ, chủ nhiệm dù, cơ giới trên không, trợ lý dù và 1 bác sĩ quân y. Thượng tá cơ giới trên không Phạm Văn Tuấn cho biết, nếu phát hiện người bị nạn ông sẽ kết hợp với trợ lý dù Lê Ngọc Thành trên chiếc 04 nhảy xuống biển đưa nạn nhân lên trực thăng để bác sĩ Đỗ Bá Tuấn cấp cứu.

 

Tại Phú Quốc, chiều 9/3 chiếc thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT 777 của Quân chủng Hải quân do hai phi công gồm đại úy Vương Đang Nam và thượng úy Phạm Vũ Tuấn điều khiển đã cất cánh từ sân bay Phú Quốc ra biển tìm kiếm cứu nạn.

Tham gia tìm kiếm cứu nạn liên quan đến máy bay Malaysia mất tích, phía Việt Nam có 9 máy bay và 11 tàu. Các nước khác tham gia gồm Malaysia, Mỹ, Trung Quốc, Philippin và Singapore với 12 máy bay, 28 tàu.

 

Trao đổi với VnExpress, chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Hải quân vùng 5 đóng tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết máy bay C130 của Singapore đã phát hiện vật thể lạ cách đảo Thổ Chu của huyện Phú Quốc (Kiên Giang) khoảng 60 hải lý theo phương vị 200 độ.

 

Tại vùng biển nghi ngờ máy bay Malaysia mất tích được 2 trực thăng quần đảo suốt chiều 9/3 nhưng không thấy điều gì bất thường.

 

Hình ảnh nhìn từ trực thăng chiều 9/3. Thượng tá Tuấn cho biết đây là bọt biển chứ không phải vết dầu loang.

 

Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 cho biết sau hơn 4 giờ bay tìm kiếm máy bay của Hãng hàng không Malaysia trên khu vực tọa độ đã cho trước, tổ bay đã rà soát khắp vùng tìm kiếm nhưng không phát hiện hiện tượng nào nghi vấn có máy bay bị nạn. Trong quá trình thực hiện tìm kiếm có phát hiện một số vật thể lạ, tổ bay đã hạ độ bay để kiểm tra, nhưng xác định những vật thể lạ đó không phải của máy bay bị nạn.

 

Giải thích về việc có thông tin máy bay tìm kiếm cứu nạn phát hiện vết dầu loang tại ở khu vực gần Bãi Cạn ở Cà Mau, ông Quang cho rằng nơi đây là bãi cạn nên có dòng chảy màu vàng cam. “Ở trên cao nhìn xuống thì giống vết dầu loang, nhưng khi tổ bay hạ độ cao để kiểm tra thì xác định không phải vết dầu loang”, ông Quang nói.

 

Bản đồ khoanh vùng nghi vấn máy bay Malaysia mất liên lạc, khu vực được cho là có vết dầu loang và khu vực có vật thể lạ mà máy bay Singapore phát hiện. Theo dự kiến, hai chiếc máy bay Mi 171 đang đậu tại sân bay Cà Mau sẽ được tiếp nhiên liệu và tiếp tục thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn vào sáng 10/3.