Phi công tiêm kích Bùi Anh Chung mới 28 tuổi, về phục vụ tại Trung đoàn 921 Sao Đỏ – vành nôi của các phi công và chỉ huy bay kỳ cựu, nhiều người trở thành tướng lĩnh…
Xử lý thành công bất trắc, về hạ cánh an toàn
Cách đây 27 năm, khi mới chỉ 28 tuổi, còn rất trẻ, người phi công tiêm kích ấy tự xác định phải tranh thủ tích lũy kiến thức mọi mặt: Giờ bay thì phụ thuộc vào kế hoạch và tiến độ chung, nhưng tích lũy kinh nghiệm và kiến thức thì do mình có chịu khó hay không.
Nhập ngũ được 10 năm, được chọn học bay phản lực, Chung ra trường, về trung đoàn, hiện mới có số giờ bay khiêm tốn, trên dưới 300 giờ. Chung rất phục những người chỉ huy trực tiếp của mình.
Chẳng xa, ở Phi đội 2 của Chung có “phi trưởng” – Thiếu tá Trần Xuân Lai, trong một tình thế hạ cánh, máy bay MiG-21 không buông càng, mà Trần Xuân Lai vẫn dũng cảm đưa máy bay về, khi cái chết và sự sống chỉ trong một khoảnh khắc “đường tơ kẽ tóc”.
Nhiều phi công lớp trước bay đêm, bay biển, bay 4 khí tượng đều nắm rất chắc các động thái xử lý tình huống bất trắc. Chung mầy mò học, hỏi ban đầu và đưa ra những phản biện, cho đến khi thực sự hiểu mới thôi.
Chuyến bay ấy Chung không thể nào quên. Anh bay biên đội 2 chiếc MiG-21 cùng phi công Quyết. Theo bài tập chiến thuật, Chung là “quân xanh”, sau khi cải bằng, Chung tách ra, mở một bán kính.
Quyết “quân đỏ” sẽ quan sát, phát hiện và đeo bám công kích “mục tiêu” trong thế có lợi, đúng giả định huấn luyện.
MiG-21 của Không quân Việt Nam.
Lúc này đã là 8 phút kể từ khi cất cánh, kim độ cao trên đồng hồ ổn định ở vạch 3.000 mét. Chung biết, với độ cao này, như bài tập, Quyết đã phát hiện ra mình.
Liếc nhìn đia vật, không vực này không có núi, yên tâm về độ cao tối thiểu. Một dòng sông, hình như sông Luộc uốn lượn quanh quanh thật đẹp. Đồng hồ chân trời lệch về phía trái một chút, theo độ nghiêng mà Chung vừa mở.
“Bục”! một tiếng động rất mạnh, bất ngờ, máy bay dường như bị chùng lại. Chung chỉ còn thấy mặt mũi tối tăm, gió ù ù réo bên tai. Rất nhanh Chung hiểu là nắp mica của buồng lái đã bị bay mất.
Theo phản xạ, Chung giơ một tay lên cao thì bị gió gí mạnh vào mũ bay. Đảo người, đảo MiG, “ngớt ga”, anh gỡ được tay ra. Gió bớt réo một chút, nhưng lúc này anh không thể nhìn về phía trước, vì gió vẫn “phang” mạnh vào mặt.
Anh cố hạ thấp được đầu xuống, để kính chắn gió phía trước che đỡ phần nào. Xung quanh bây giờ thăm thẳm trời mây, mù ướt phả vào buồng lại từng đợt.
Chung gắng tìm cách liên lạc với Quyết, nhưng trong tai chỉ nghe tiếng gió réo vu vu, thậm chí không có cả tiếng lạo xạo thường thấy. Như thế là mất cả liên lạc với Sở chỉ huy trung đoàn.
Nếu radar dẫn đường phát hiện ra tọa độ của máy bay, thì cũng không thể nào liên lạc được với Chung.
Nhảy dù! Chung bất giác đưa tay vào thành ghế…
Nhưng máy bay Chung còn độ cao, anh nhìn được xuống phía dưới, nơi có các đồng hồ đang hoạt động. Anh thụt mạnh cổ cho người thấp xuống hết cỡ, xem rất nhanh về lượng dầu còn, tốc độ máy bay và yên tâm về độ cao máy bay.
Chung nghĩ cách tìm hướng chuẩn để về gần “nhà”. Nếu không định hướng chuẩn về, máy bay sẽ bay ngày càng xa hướng ra biển, hết dầu, cơ hội trở về rất ngặt nghèo.
Làm động tác nghiêng cánh, Chung cố lé mắt, liếc nhận ra một chiếc cầu nhỏ nhoi vắt ngang dòng sông, nơi có đô thị thưa thớt màu xanh cây lá.
Nam Định đây! Mừng quá, từ điểm chuẩn này, Chung chuyển hướng “cánh én MiG-21” tuân theo lệnh anh bay về hướng đối, trong nội địa.
Từ đây anh liên tục quan sát các đồng hồ, đặc biệt là la bàn điện chỉ hướng và đồng hồ tốc độ, độ cao để điều chỉnh máy bay ổn định, trong khi phải ngồi thụt đầu, trong tư thế hết sức khó khăn, gò bó.
Ước lượng đôi phút bay, Chung lại nghiêng cánh lé mắt nhìn… Sông Hồng, Hà Nội. Rồi! kia là cây cầu lớn Thăng Long…
Chung cắt vòng trở lại, làm động tác thả càng máy bay. Càng ra tốt. Dóng hướng 107 độ, giữ máy bay ổn định, máy bay hạ thấp dần độ cao.
Một chiếc MiG-21 về hạ cánh sau khi hoàn thành một chuyến bay nhiệm vụ.
Lúc này Chung đã nhận ra, như tiếng Tham mưu trưởng Hòa đang “gọi” anh. Mừng quá, Chung thấy tự tin hơn rất nhiều.
Từng giây trôi nhanh, về qua “đài xa”, Chung vẫn chưa thể nhìn thẳng được về phía trước. Bằng cảm nhận, anh giữ cho góc máy bay tiếp đất chuẩn nhất và chờ… chờ! Chỉ khi thấy dội lên từ ghế một lực thúc thật mạnh chói lên xương sống.
Cảm giác từ phía dưới, Chung biết bánh máy bay đã tiếp đất cân bằng. Máy bay giảm tốc rất nhanh. Bánh cao su lăn những cung cuối cùng và dừng lại.
Mọi người ùa ra đón anh. Lúc này Chung mới biết, giọng mình khản đặc. Phần vì xúc động, phần vì cay mắt do gió, đưa tay lên cổ, nước mắt chàng trai cứ ứa ra. Bùi Anh Chung đã đưa máy bay về căn cứ an toàn.
Kinh nghiệm quý cho sự lớn mạnh của KQ Việt Nam
Vào thời điểm cuối thập kỷ 80, hầu hết máy bay MiG-21 của Không quân nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều giờ bay. Dẫu rằng về lý thuyết, máy bay vẫn khai thác tốt.
Nhưng với quốc gia nhiệt đới, nóng, ẩm như Việt Nam, nhất là ở miền Bắc chênh lệch nhiệt độ giữa mùa đông và mùa hè hàng chục độ, vì thế các keo dán giữa kim loại với nắp buồng lái “phi kim”, có độ dãn nở mạnh.
Đã có máy bay MiG-21 bung nắp buồng lái, như trường hợp Bùi Anh Chung.
Ngay khi đó, Viện kỹ thuật Quân chủng Không quân đã tập trung nghiên cứu, khắc phục triệt để hiện tượng này.
Cùng với việc xây dựng vòm che máy bay, giữ nghiêm quy trình bảo dưởng, bảo quản máy bay, công tác kỹ thuật hàng không càng về sau này càng tốt hơn.
Công tác kỹ thuật luôn được Quân chủng PK-KQ và các đơn vị không quân đặt lên hàng đầu, đảm bảo cho những chuyến bay an toàn.
Nhất là với các dòng máy bay tiêm kích – bom đa năng họ Sukhoi. Được các chuyên gia kỹ thuật hàng không của Trung tâm nhiệt đới Việt Nga và cấp trên đánh giá cao.
Những phi công và các sĩ quan không quân hiểu rõ, với số giờ bay tích lũy còn khiêm tốn như Bùi Anh Chung khi đó, anh chưa trải qua huấn luyện bay bằng đồng hồ và thiết bị đo, trong điều kiện khí tượng phức tạp.
Một phi công trẻ đã làm được việc mà các phi công dày dạn mới làm được, chỉ riêng điều đó Bùi Anh Chung đã khiến đồng đội đánh giá tốt về “nghề”. Một phi công gốc Hà Nội sáng tạo và dũng cảm.
Vào những năm sau này, khi những máy bay đắt tiền được trang bị cho Không quân Việt Nam, lại có thêm nhiều tấm gương phi công dũng cảm đưa máy bay về an toàn trong trường hợp hỏng động cơ, khẩn nguy do bất trắc, do sự cố hy hữu và cả do thời tiết…
Không quân nhân dân thời nào vẫn luôn có những phi công dũng cảm và sáng tạo, xứng đáng với lớp đàn anh can trường, quả cảm trong chống trả với Không quân đế quốc.
Huấn luyện cho họ, ngay phi công thử nghiệm nổi tiếng của Nga, Sergei Bordan Anh hùng LB Nga, phi công thử nghiệm máy bay nổi tiếng trên các loại Su-35 và máy bay tàng hình T-50 Pak-FA cũng phải thừa nhận:
“Phi công Việt Nam là những người sáng tạo nhất mà tôi được làm việc cùng”.
Giờ đây, trải qua những thử thách và trách nhiệm, phi công trẻ Bùi Anh Chung ngày nào đã trưởng thành là cán bộ cao cấp của Quân chủng Phòng không – Không quân đang tiến thẳng lên chính quy, hiện đại.
Theo Đại tá Trần Danh Bảng (Thế giới trẻ/Infonet.vn)