(Bình luận quân sự) – Trong và sau chiến dịch CQ-88, chiến đấu cơ Việt Nam đã góp phần tích cực bảo vệ các đảo, đá, ngăn chặn âm mưu chiếm Trường Sa của Trung Quốc.

“Cuộc chiến tháng 2/1979: Giai đoạn đấu tranh và đàm phán 1979-1988”;

“CQ-88: Cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Trường Sa của Việt Nam”;

“Toàn cảnh CQ-88 bảo vệ Trường Sa, Gạc Ma-Vòng tròn Bất tử”;

chúng ta đã tìm hiểu về chiến dịch CQ-88 thể hiện chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa; đặc biệt là khúc tráng ca về “Gạc ma-Vòng tròn bất tử”.

Tháng 3 năm 1988, máu của những chiến sĩ hải quân và công binh Việt Nam đã đổ xuống Biển Đông, tiếp nối truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm phương Bắc, góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa cho đến ngày hôm này.

Tổng cộng trong chiến dịch CQ-88, mặc dù không có tàu chiến, các tàu thuyền khác đều rất nhỏ, số lượng hạn chế, nhưng hải quân Việt Nam đã thể hiện chủ quyền và chốt giữ 11 đảo chìm.

11 đảo được Hải quân Việt Nam đóng giữ trong chiến dịch CQ-88 bao gồm: Đá Tây (2/12/1987), Tiên Nữ (25/1/1988), Đá Lát (5/2/1988), Đá Đông (19/2/1988), Đá Lớn (20/2/1988), Tốc Tan (27/2/1988), Núi Le (28/2/1988), Len Đao và Cô Lin (14/3/1988), Đá Thị (15/3/1988), Đá Nam (16/3/1988).

Tính đến thời điểm đó, tổng số đảo chúng ta đã đóng giữ được là 21, trong đó 9 đảo nổi lớn (năm 1975, Việt Nam đóng giữ 5 đảo nổi ở quần đảo Trường Sa, bao gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa; năm 1978, Việt Nam đóng giữ thêm 4 đảo: An Bang, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Trường Sa Đông; tháng 3/1987 ta đóng giữ thêm đảo chìm Thuyền Chài).

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã chiếm đóng trái phép 6 đảo đá Chữ Thập, Gạc Ma, Ga Ven, Huy Gơ (Tư Nghĩa), Châu Viên, Xu Bi. Trung Quốc đã xây nhà và các công trình khác trên các bãi đá này; đồng thời tiếp tục tăng cường lực lượng chiếm đóng thêm các đảo đá khác trên Biển Đông, ở phía nam quần đảo Trường Sa.

Việt Nam tung chiến đấu cơ bảo vệ Trường Sa

Ngày 31/3, Tư lệnh Hải quân lệnh cho Vùng 4, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146; các hải đội 131, 132, 134 của Lữ đoàn 172 chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao; đồng thời lệnh cho Vùng 1, Vùng 3 và Lữ đoàn 125 ở Hải phòng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường.

Trong chiến dịch CQ-88, không quân và tên lửa bờ đối hạm của Việt Nam đã góp phần quan trọng bảo vệ các đảo đá ở quần đảo Trường Sa

Bộ Tư lệnh Hải quân điều động 41 tàu và phương tiện nổi của Lữ đoàn 125, Cục Kinh tế, Vùng 1, Vùng 3, Vùng 5, Trường sĩ quan Hải quân, Nhà máy Ba Son, X51 tiếp nhận 3 tàu của nhà nước, 3 tàu của Tổng cục Hậu cần và 2 tàu của Quân khu 5 đến phối thuộc hoạt động khi cần thiết.

Đồng thời, Việt Nam cũng huy động tối đa lực lượng không quân và tên lửa bờ đối hải để bảo vệ chủ quyền, sẵn sàng đáp trả những hành động phiêu lưu quân sự của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Giai đoạn trước đó, quân chủng không quân đã điều động một phi đội Su-22M thuộc Trung đoàn 923 vào sân bay Phan Rang để tăng cường bảo vệ Trường Sa, đồng thời triển khai huấn luyện bay thực tế cho phi công ra Trường Sa, trong điều kiện chúng ta không có thiết bị dẫn đường.

Tháng 4/1988, với ý đồ lặp lại kịch bản Gạc Ma, Trung Quốc đưa 7 tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp, hòng cưỡng chiếm thêm bãi đá Len Đao nhưng đã vấp phải hành động cứng rắn để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Khi trên bầu trời xuất hiện 7 máy bay chiến đấu của Việt Nam bay từ đất liền ra quần đảo, tàu Trung Quốc – đúng như truyền thống ngàn đời “cậy mạnh hiếp yếu” – ngay lập tức chạy tản ra. Bộ đội ta tiếp tục chốt giữ và bảo vệ vững chắc đảo Len Đao cho đến ngày hôm nay.

Vào ngày 24/4, quân chủng không quân quyết định điều thêm 3 chiếc Su-22M từ Thọ Xuân vào Phan Ranh, nhằm tiếp tục tăng cường khả năng bảo vệ đảo trước âm mưu cướp đoạt bằng vũ lực của Trung Quốc.

Ngày 7/5, tại quần đảo Trường Sa, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam – Đại tướng Lê Đức Anh đã đọc lời thề: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Theo http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/cq-88-chien-dau-co-viet-nam-xung-tran-giu-truong-sa-3376795/?fbclid=IwAR0v2aA2AyQHpdXjbzR4tZu6GEptWwo6EsofOrLkOu4BrCpCE0KpM-65YHo