Được thành lập ngày 3-2-1964, tròn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân (KQND) Việt Nam mang phiên hiệu 921 đã xuất kích trên 200 trận, bắn rơi 137 máy bay các loại.
Với những chiến công xuất sắc đó, Trung đoàn và 3 tập thể cùng 19 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…
|
Một ban bay huấn luyện ở Trung đoàn không quân 921. |
Vào những năm đầu của thập kỷ 60, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn vô cùng cam go, ác liệt; bị thất bại thảm hại trong “chiến tranh đặc biệt” ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng và Bác Hồ đã chủ trương xây dựng và phát triển lực lượng Không quân chiến đấu trên cơ sở đơn vị tiền thân là Ban Nghiên cứu sân bay và đơn vị Không quân Vận tải. Ngày 30-5-1963, Trung đoàn Không quân mang phiên hiệu 921, mật danh là Đoàn Không quân Sao Đỏ đã được kí quyết định thành lập. Đây là trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của KQND Việt Nam, đánh dấu một bước trưởng thành mới của không quân và lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 3-2-1964, tại căn cứ Không quân Mông Tự (Vân Nam- Trung Quốc), lễ thành lập Trung đoàn Không quân 921 đã được tổ chức long trọng. Ngày 6-8-1964, một ngày sau khi đế quốc Mỹ leo thang ra đánh phá miền Bắc, Trung đoàn được lệnh cơ động lực lượng về sân bay Nội Bài. Mặc dù mới thành lập, còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, nhưng Trung đoàn đã nhanh chóng ổn định về mọi mặt, vừa huấn luyện, vừa chiến đấu, từng bước nâng cao trình độ tác chiến, xây dựng ý trí quyết tâm đánh thắng địch ngay từ trận đầu xuất kích. Ngày 9-12-1964, Trung đoàn đã vinh dự được Bác Hồ kính yêu đến thăm. Người ân cần căn dặn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn: “Tổ tiên ta từ xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử, trên bộ như Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi, trách nhiệm ấy trước hết là của các chú”.
Thực hiện lời dạy của Người, cả Trung đoàn sục sôi khí thế thi đua, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu với lũ giặc trời. Hơn một năm sau ngày thành lập, Trung đoàn đã “Mở mặt trận trên không thắng lợi”. Đó là ngày 3-4-1965, biên đội Mig-17 gồm 4 phi công: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương, được lệnh xuất kích chiến đấu. Bằng tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, chỉ trong 8 phút, biên đội đã hạ gục 2 chiếc F-8U của không quân, hải quân Mỹ trên vùng trời Đò Lèn- Thanh Hóa, mở đầu trang sử mới của mặt trận trên không. Ngày 3-4-l965 đã được ghi vào trang sử vàng truyền thống của Trung đoàn 921 anh hùng.
|
Phi công của Trung đoàn không quân 921 trao đổi kinh nghiệm bay. |
Từ âm vang chiến thắng trận đầu, ngay ngày hôm sau 4-4-1965, biên đội thứ 2 gồm các phi công Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm, cũng được lệnh xuất kích chiến đấu và tiếp tục lập công: bắn rơi 2 máy bay F-105D của đế quốc Mỹ. Sau 2 ngày chiến đấu và chiến thắng giòn giã, cả Trung đoàn như được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh mới. Có thể khẳng định rằng, với loại máy bay kém hiện đại hơn so với máy bay của kẻ thù, với đội ngũ phi công trẻ tuổi, chưa dầy dạn kinh nghiệm trong chiến đấu, nhưng với sự mưu trí sáng tạo và lòng dũng cảm, chúng ta đã đánh thắng kẻ thù ngay từ trận xuất kích đầu tiên. Ngày 3-4-1965 đã trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam.
Với những chiến công đặc biệt xuất sắc đó, ngày 5-4-1965, Trung đoàn đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi. Trong thư Bác viết: “Các chú đã thực hiện được khẩu hiệu đã đánh là thắng, như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta”.
Khắc sâu lời dạy của Người, phát huy những chiến công đã đạt được, cả Trung đoàn dấy lên phong trào thi đua, tìm nhiều cách đánh hay, có nhiều trận đánh giỏi. Tháng 12 năm 1965, Trung đoàn được trang bị máy bay Mig – 21 thay thế cho Mig – 17. Với loại vũ khí mới này, ngay từ trận đầu, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã bắn rơi chiếc máy bay không người lái của không quân Mỹ vào ngày 4-3-1966. Trải qua hơn 7 năm trực tiếp tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, lập công xuất sắc. Nhiều trận đánh hay, nhiều tấm gương chiến đấu giỏi đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Trong Chiến dịch “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, cùng với lực lượng của Quân chủng, lực lượng Phòng không ba thứ quân, Trung đoàn đã tham gia nhiều trận chiến đấu và giành thắng lợi, góp phần đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ ra miền Bắc.
Với khẩu hiệu “Xuất kích là mang chiến thắng trở về”, đội ngũ cán bộ, phi công Trung đoàn 921 đã thể hiện ý chí chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo, dám đánh, biết đánh và đánh thắng kẻ thù xâm lược bằng những chiến công có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của KQND Việt Nam. Trung đoàn đã tham gia chiến đấu trên 200 trận, bắn rơi 137 máy bay Mỹ gồm 14 kiểu loại, trong đó có cả máy bay chiến lược B52. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, ngày 22-12-1969, Trung đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, 3 phi đội, 19 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân (trong đó có Phi đội 1 được tuyên dương anh hùng lần thứ 2…
Theo: QĐND