Thật đáng ngạc nhiên là sau nhiều năm ngừng bay, tiêm kích F-5E vẫn còn được bảo quản trong kho lưu trữ của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Theo báo điện tử VietNamPlus, Nhà Truyền thống thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) vừa tiếp nhận hiện vật lịch sử là máy bay tiêm kích F-5E do Nhà máy A42 (Đồng Nai) bàn giao.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Nhà máy A42 trực thuộc Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không – Không quân đã bàn giao cho thị xã Phước Long một tiêm kích F-5E.
Đây là chiến đấu cơ được Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thành Trung điều khiển, sau khi ném bom tại Dinh Độc lập ngày 8/4/1975 đã hạ cánh an toàn tại sân bay dã chiến Phước Bình (nay thuộc thị xã Phước Long). Chiếc F-5E này là máy bay cuối cùng trong hồ sơ quản lý của Nhà máy A42.
Một chiếc tiêm kích F-5E được trưng bày trong khuôn viên Dinh Độc Lập |
Theo ước tính, thời điểm sau khi giải phóng Sài Gòn, Không quân Nhân dân Việt Nam đã thu được tổng cộng 87 tiêm kích F-5A/B Tiger cùng với 27 chiếc F-5E/F Tiger II từ tay Không lực Việt Nam Cộng Hòa.
Điều rất đáng chú ý của số F-5 chiến lợi phẩm trên là những chiếc thuộc biến thể Tiger II đều là hàng vừa được lắp ráp, chiếc ít nhất mới có 9 giờ bay trong khi nhiều nhất chỉ là 24 giờ hoạt động trên bầu trời.
Những máy bay tiêm kích F-5 này đã đóng góp vai trò quan trọng trong hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam, đặc biệt là ở chiến trường Campuchia. Tuy nhiên kể từ giữa thập niên 1980, do thiếu phụ tùng thay thế mà toàn bộ phi đội Tiger của Việt Nam buộc phải ngừng hoạt động và rút khỏi lực lượng chiến đấu.
Theo đề nghị từ phía bạn, một cặp F-5E của Việt Nam đã được chuyển đến Đông Âu để tiến hành các đánh giá kỹ thuật. Hiện tại chiếc có số khung 73-00878 đang trưng bày tại Bảo tàng Hàng không ở Prague, Cộng hòa Czech, trong khi chiếc khác (73-00852) nằm ở Bảo tàng Hàng không Krakow, Ba Lan.
Tiêm kích F-5E với phù hiệu của Không quân Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Krakow, Ba Lan. |
Mặc dù xuất hiện thông tin cho rằng Việt Nam đã nhượng lại vài chiếc F-5E cho Iran và Ethiopia dưới dạng phụ tùng, số còn lại thuộc phiên bản F-5A/B thì bàn giao cho hệ thống bảo tàng trong nước, dẫn tới nhận định là không còn chiếc F-5E nào được niêm cất bảo quản nữa.
Tuy nhiên theo thông tin mới nhất, không loại trừ khả năng vẫn còn một số tiêm kích F-5E/F nằm rải rác trong các kho lưu trữ khác của Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không – Không quân.
F-5E/F Tiger II mặc dù là loại máy bay chiến đấu thế hệ cũ nhưng vẫn được nhiều cường quốc quân sự trên thế giới tin dùng vì chúng sở hữu nhiều ưu điểm như nhỏ nhẹ, linh hoạt, dễ điều khiển, chi phí khai thác thấp… nếu được hiện đại hóa thì Tiger II thậm chí còn mạnh hơn cả F-16A/B Block 15.
Trong trường hợp được phục hồi và nâng cấp (nhất là khi Mỹ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí), tiêm kích F-5E/F có thể là nguồn bổ sung lực lượng quan trọng cho Không quân Nhân dân Việt Nam.
Theo Sao Đỏ (Thời Đại)